Tổng số lượt xem trang

18 tháng 5, 2012

BÀN TAY MẸ HAY “HŨ VÀNG” CỦA CON


“Suốt một chặng đường dài cứ cố gắng…cố gắng…không mệt mỏi cho một ngày mai tươi sáng hơn”, đó có thể là câu nói giành cho một gia đình như gia đình tôi. Cái ngày mỗi sáng phải dậy từ “đài nói” (tức là đài phát thanh Việt Nam phát vào lúc 5 giờ sáng ở các vùng nông thôn) mẹ lại phải thổi cơm, rán trứng và lấy lá gói bánh trưng nắm cơm cho bọn tôi đi học trên huyện đã qua rồi. Ba năm học cấp ba với mỗi đứa con mẹ vẫn làm thế, cho đến bây giờ có lẽ tôi vẫn cảm nhận được vị và hương của mùi cơm nắm lá. Gia đình tôi cũng không khá giả gì, bố mẹ làm ruộng và làm thêm kinh tế kiểu VAC, khi mấy đứa còn học cấp 1 hay cấp 2 thì bố mẹ vẫn lo được. Nhưng đến cấp 3 và Đại học thì khác, tôi nhớ nhiều khi xin tiền đóng học phí, không có tiền mà phát khóc. Có những tháng bố tôi đi xây nhưng chẳng ứng được tiền và mẹ lại phải chạy ngược xuôi đi vay bà con hàng xóm. Bây giờ kể lại, chúng bạn nói “cho con ăn đi học thường là dùng tiền tích góp được chứ đi làm mà cho ăn đi học thì lấy đâu ra”. Nhưng nuôi một đứa chứ nuôi 3 đứa ăn học đại học một năm thử hỏi với một gia đình nông thôn “có mà tích giời”.
Người mẹ nào cũng chăm cho con, hy sinh vì con nhưng có mấy người mẹ như mẹ đâu. Nhà có 5 người có bữa ăn mẹ luộc 4 quả trứng
- “mẹ ăn chưa?”(con hỏi)
- “tao ăn dưới bếp rồi”. (mẹ nói)
Thời gian cứ thấm thoát trôi đi, đã mười năm kể từ hồi chúng con học đại học đấy mẹ nhỉ. Vậy mà bây giờ mẹ vẫn “gửi”. Mẹ gửi gạo, gửi rau, gửi trứng, gửi tôm cá…mẹ gửi cho con, “bà gửi cho cháu của bà”. Đôi bàn tay mẹ cứ gầy guộc mãi thôi. Chúng con bảo mẹ nghỉ đi, làm ít thôi nhưng “không làm thì lấy gì ăn”. Câu nói ấy cứ theo con suốt cả chặng đường đời.
Nghỉ hè con lại về bên gia đình, nhưng có lúc nào thấy mẹ nghỉ đâu, lúc thì ra ruộng làm cỏ, giặm lúa, phun thuốc, giận gốc rạ, rồi lại cấy, gặt, bó, xén…mẹ làm nhiều đến mức hàng xóm người ta “ghét mẹ”, người ta nói mẹ “làm để chết à”, mẹ nghe thấy lại buồn, nhưng vì con mẹ chẳng sợ gì “miệng lưỡi thiên hạ”. Con vẫn nhớ mà cài ngày anh cả vào cấp 3 gãy chân và mẹ thì bị thần kinh chân bên phải, cả nhà có năm người nhưng phải sắp 3 mâm cơm. Mẹ cứ bị thế sao chúng con học được đến bây giờ, những đứa con nhỏ đâu hiểu được những nỗi đau quá lớn. Bao nhiêu năm nhưng có lẽ chưa đứa con nào hỏi mẹ “nghị lực nào mà mẹ làm được thế?” vì mẹ đâu cần trả lời phải không mẹ. Mẹ đau không đi được, bố phải chở xe đạp mẹ đi khám mà!. Vậy mà vì những đứa con mẹ phải cố gắng, đêm “tinh mơ” mẹ đạp xe đi…đi cắt thuốc chữa bệnh, đi châm cứu. Rồi “cái hạn” cũng qua và cả nhà lại bắt đầu cho những “guồng quay” mới, chúng con vào đại học bố mẹ lại lo biết bao. Mẹ từng kể “nhìn nhà bác Cậy hay nhà bác Thành bán từng thùng thóc cho các anh ăn đi học tao nghĩ nuôi sao được chúng mày ăn đi học” vậy mà “cái khó ló cái khôn” chăng? Không, tất cả do mẹ thôi!.Mẹ thằng bạn con cứ hỏi “nhà mày có hũ vàng à sao nuôi được chúng mày?”, tôi thường cười và nói “nhà cháu thì nhiều vàng lắm”, vì mẹ cháu làm ra vàng mà!.
Khi sống nơi phồn hoa đô thị lại càng thấy thương mẹ hơn, thương những người gánh hàng rong, những người quét rác, những người “làm thuê cuốc mướn”. “Cuộc đời là bể khổ”, là câu nói cửa miệng của chúng con khi trêu trọc nhau bây giờ nhưng là con em thành phố mấy người biết đến nỗi khổ thật sự. Đôi khi là con, muốn nói một câu “con yêu mẹ lắm” nhưng thật khó biết bao, tôi nhớ khi vào Đại học năm thứ nhất là con trai nhưng tôi đã viết nhật kí, viết rất nhiều về mẹ, về cha và về ông bà nữa, tôi yêu một người con gái chỉ vì người ấy có suy nghĩ và yêu thương cha mẹ giống mình. Tết năm đó con về, con còn nhớ như in cảm giác về nhà. Con bước đến đầu ngõ nhìn thấy mẹ, thấy cha con đã khóc nức nở, con ôm trầm lấy mẹ và chỉ nấc lên “mẹ …con nhớ mẹ”. Bố cứ trêu hoài “làm sao mà khóc”, và tết năm đó xấu hổ quá vì mẹ cứ đi kể với cậu mợ rằng mình khóc!. Từ lúc ẵm bồng con trên tay cho đến khi con trưởng thành và rồi mẹ lại chăm chút cho các cháu, đôi bàn tay mẹ mòn da, nứt nẻ vì mưa nắng, nước non, con nhớ lắm cảm giác khi con lằm mẹ khẽ xoa đôi bàn tay thô ráp lên lưng con vỗ về. Con lớn rồi nhưng vẫn muốn mẹ làm buồn như ngày xưa, muốn mẹ đặt trên đùi gội đầu bằng nước bồ kết cho con, muốn mẹ lấy ráy tai cho con, muốn mẹ bẻ ngón tay, ngón chân cho con …và ăn cơm mẹ lắm nữa mẹ à!. Con yêu mẹ.
Tg: DuyTran

2 nhận xét:

  1. có một người mẹ như thế thì đừng bao giờ quên ơn mẹ nhé!

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn bạn! có lẽ mình cũng chưa bao giờ làm mẹ buồn và cũng chưa bao giờ làm mẹ khóc! Và sẽ luôn như thế!

    Trả lờiXóa

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More